Diễn biến chính trị - quân sự có liên quan Chiến_dịch_Viên

Cuộc khởi nghĩa bất thành ở Viên

Bài chi tiết: Chiến dịch Radetzky

Quân đội Liên Xô không đơn độc khi tấn công vào thành phố Viên. Phía trong lòng Viên vẫn tồn tại những nhóm kháng chiến của các lực lượng yêu nước, chống phát xít của Áo. Trong đó nổi bật nhất có Nhóm kháng chiến O-5 (một thành viên của tổ chức "Nước Áo, hãy thức tỉnh") do thiếu tá Carl Szokoll, Trưởng phòng quân lực thuộc Bộ Tham mưu Quân đoàn dự bị động viên 17 (Áo) lãnh đạo. Các tổ chức kháng chiến này đã tích cực thực hiện các hoạt động phá hoại sau lưng quân đội Đức và đã đặt kế hoạch phối hợp chiến đấu cùng với quân đội Liên Xô.[40]

Ngày 2 tháng 4, hai lính Áo là thượng sĩ Ferdinand Käs, phụ trách văn thư và binh nhất lái xe Johann Reif đã lái xe sang phòng tuyến của Tập đoàn quân cận vệ 9 tại khu vực Hochwolkersdorf. Hai người này tự nhận là đại diện cho các sĩ quan phản chiến trong Bộ tham mưu Quân đoàn động viên 17 (Áo), xin gặp cấp chỉ huy Liên Xô đề nghị hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa sắp nổ ra tại Viên. Ferdinand Käs cho biết, những người yêu nước Áo chống phát xít đã có trong tay 2 tiểu đoàn quân dự bị động viên và 1 đại đội pháo binh. Ngoài ra, còn có khoảng 1.200 người Áo trong các đơn vị khác cũng hứa tham gia cùng khoảng 20.000 người dân thành Viên. Vốn biết đến kinh nghiệm về các cuộc khởi nghĩa ở Warszawa và Slovakia cũng như cuộc khởi nghĩa bất thành ở Budapest, Nguyên soái F. I. Tolbukhin chỉ thị cho tướng I. S. Anoshin, chủ nhiệm chính trị Phương diện quân yêu cầu cấp chỉ huy của họ sang tiếp xúc với quân đội Liên Xô.[39]

Ngày 5 tháng 4, đích thân thiếu tá Carl Szokoll, trưởng phòng quân lực của Quân đoàn dự bị động viên 17 (Áo) vượt sang trận tuyến của quân đội Liên Xô. Ông cho biết chính ông là người đứng đầu của tổ chức yêu nước bí mật có tên "Nước Áo, hãy thức tỉnh". Ông cũng cho biết cuộc khởi nghĩa đã được chuẩn bị xong xuôi về mọi mặt. Tướng A. S. Zheltov, Ủy viên hội đồng quân sự Phương diện quân Ukraina 3 hoan nghênh những người yêu nước Áo đã đặt vấn đề phối hợp tác chiến và ra ngay những chỉ thị cần thiết cho phía quân đội Liên Xô. Liên lạc bằng điện đài vô tuyến giữa Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa với Bộ tham mưu Phương diện quân Ukraina 3 được thiết lập, các tín hiệu, ám hiệu khởi sự và sơ đồ bố trí quân khởi nghĩa phối hợp với quân đội Liên Xô cũng được thỏa thuận. Tín hiệu đó chính là lời kêu gọi của tư lệnh Phương diện quân được phát qua vô tuyến điện và Đài phát thanh Budapest. Chiến dịch được đặt tên mã là "Radetzky" theo tên một tướng chỉ huy quân đội Áo thời trung đại, công tước Josef Wenzel Radetzky von Radetz. Theo đánh giá của các chỉ huy Liên Xô, cuộc khởi nghĩa này nổ ra rất đúng thời cơ, sẽ phá hoại cuộc phòng thủ của quân Đức từ bên trong và giảm bớt thiệt hại cho thành phố Viên.[33]

12 giờ 30 phút ngày 6 tháng 4, tín hiệu khởi nghĩa được phát đi qua vô tuyến điện và Đài phát thanh Budapest khi quân đội Liên Xô bắt đầu công phá các tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân Đức ở Viên. Tuy nhiên, từ đó đến ngày hôm sau, Bộ Tham mưu Phương diện quân Ukraina 3 không thể nào bắt được tín hiệu từ phía những người khởi nghĩa. Sau giải phóng thành Viên, cơ quan SMERSH của quân đội Liên Xô tiến hành điều tra và được biết về tấn bi kịch của những người yêu nước Áo chống phát xít. Cơ quan mật thám SS Gestapo trong điều kiện rối loạn xã hội trước thất bại của quân đội Đức Quốc xã vẫn hoạt động một cách rất chuyên nghiệp và đều đặn. Các mật báo viên của Sở Gestapo ở Viên đã mua chuộc được một số người của tổ chức "Nước Áo, hãy thức dậy". Các cuộc bắt bớ lập tức được Gestapo tiến hành. Thiếu tá Karl Biedermann, đại úy Alfred Huth, trung úy Rudolf Raschke và nhiều người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã bị bắt và bị quân SS treo cổ lên cột đèn tại quận Floridsdorf, phía Bắc Viên. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt từ trong trứng.[41][42] Không những thế, cơ quan SMERSH còn phát hiện ra một số nhân vật chóp bu của tổ chức "Nước Áo, hãy thức tỉnh" đã phản bội lại thiếu tá Carl Szokoll và các đồng chí của ông. Còn "Nước Áo, hãy thức tỉnh" chỉ là một tổ chức hai mang, vừa có liên hệ với cơ quan OSS (Hoa Kỳ) vừa có liên lạc với Gestapo để lung lạc những người kháng chiến Áo chân chính. Tổ chức này đã in hàng loạt tờ rơi để kêu gọi người Áo hãy chống lại cái mà họ gọi là "nền quân phiệt đỏ".[39]

Mặc dù cuộc khởi nghĩa ở nội đô Viên không nổ ra nhưng các tổ chức kháng chiến người Áo vẫn tiếp tục hoạt động vũ trang chống lại quân Đức và phối hợp với Hồng quân bảo vệ các nhà máy, các mỏ dầu, các cây cầu chiến lược và các công trình giao thông quan trọng khác.[43]

Karl Renner và việc thành lập Chính phủ Lâm thời Áo

Karl Renner, Thủ tướng Chính phủ Lâm thời Áo năm 1945, Tổng thống đầu tiên của nền cộng hóa thứ hai ở Áo (ảnh chụp năm 1905)

Chính trị gia Karl Renner sinh năm 1870, là một nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác, thành viên của Đảng Xã hội Dân chủ Áo (SDPÖ) từ năm 1894. Nghị sĩ quốc hội Áo-Hung từ năm 1907. Năm 1918, ông tham gia cuộc cách mạng hiến pháp ở Áo, là thành viên Hội đồng lập pháp Áo. Từ năm 1930 đến năm 1933, ông là Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Áo. Năm 1933, Engelbert Dollfuß lên cầm quyền đã cấm các đảng theo chủ nghĩa xã hội. Các nhà tù được lập ra để giam giữ những thành viên đối lập với Đảng phát xít Áo, trong đó có các thành viên chủ chốt của Đảng Xã hội Dân chủ Áo (SDPÖ), Đảng Xã hội Áo (SÖP), Đảng Cộng sản Áo (KPÖ) và các thành phần vô chính phủ. Sau khi Engelbert Dollfuß bị ám sát, Kurt von Schuschnigg tiếp tục chính sách này cho đến khi nước Áo bị Hitler cưỡng chiếm năm 1938. Karl Renner lui về sống ẩn dật ở miền Nam nước Áo và không tham gia các hoạt động chính trị.[44]

Ngày 3 tháng 4 năm 1945, Karl Renner đã tìm đến cơ quan tham mưu của Sư đoàn bộ binh 103, Quân đoàn bộ binh cận vệ 37 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 9 (Liên Xô). Ông tỏ lòng hợp tác với quân đội Liên Xô để giải phóng nước Áo khỏi chủ nghĩa phát xít. Ông nói:

Giờ đây, các đảng viên đảng cộng sản và các đảng viên đảng xã hội dân chủ chỉ có chung một nhiệm vụ duy nhất là tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Tôi đề nghị được góp phần xây dựng chính phủ lâm thời ở Áo và sẽ loại trừ các phần tử quốc xã ra khỏi nghị viện
— Karl Renner.[45]

Ngày 4 tháng 4, STAVKA nhận được báo cáo của Hội đồng quân sự Phương diện quân Ukraina 3 về cuộc gặp gỡ với Karl Renner và lập tức có điện chỉ đạo cho tư lệnh phương diện quân, nguyên soái F. I. Tolbukhin:

Phải tin cậy Karl Renner. Thông báo cho ông ấy biết là Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ủng hộ ông ấy trong việc khôi phục chế độ dân chủ ở Áo. Giải thích cho Karl Renner biết rằng quân đội Liên Xô tiến vào Áo không phải để chiếm đóng nước Áo mà là để quét sạch chủ nghĩa phát xít khỏi đất Áo.
— I. V. Stalin - A. I. Antonov.[46]

Sau khi thủ đô Viên của Áo được giải phóng, Kerl Renner đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để mau chóng lập ra một chính phủ lâm thời cho nước Áo. Sử dụng các mối quan hệ của mình và sự khéo léo về chính trị, ông đã triệu tập được một nội các đa thành phần bao gồm Đảng Xã hội Dân chủ Áo (SDPÖ), Đảng Xã hội Áo (SÖP), Đảng Nhân dân Áo (ÖVP), Đảng Cộng sản Áo (KPÖ) và một số nhân sĩ, trí thức không đảng phái. Thành phần chính phủ gồm có:

  • Thủ tướng: Karl Renner (SDPÖ).
  • Các Phó Thủ tướng: Leopold Figl (ÖVP), Johann Koplenig (KPÖ), Adolf Schärf (SPÖ)
  • Bộ trưởng nội vụ: Franz Honner (KPÖ)
  • Bộ trưởng tư pháp: Josef Gerö (không đảng phái)
  • Bộ trưởng khoa học, giáo dục và văn hóa: Ernst Fischer (KPÖ)
  • Bộ trưởng an sinh xã hội và dân cư: Johann Böhm (SPÖ)
  • Bộ trưởng tài chính: Georg Zimmermann (không đảng phái)
  • Bộ trưởng nông nghiệp và môi trường: Rudolf Buchinger (ÖVP, đến 26-9-1945) và Josef Kraus (ÖVP, từ 26-9-1945)
  • Bộ trưởng công nghiệp, thương mại và giao thông vận tải: Eduard Heinl (ÖVP)
Leopold Figl, Phó thủ tướng Chính phủ lâm thời Áo 1945, Thủ tướng đầu tiên của nền cộng hòa thứ hai ở Áo.
  • Bộ trưởng lương thực, thực phẩm: Andreas Korp (SPÖ)
  • Bộ trưởng công chính và tái thiết: Julius Raab (ÖVP)
  • Bộ trưởng kế hoạch và quản lý công sản: Vinzenz Schumy (không đảng phái)

Ngày 27 tháng 4 năm 1945, Chính phủ lâm thời Áo ra bản Tuyên ngôn độc lập của nước Áo, khôi phục lại nước Cộng hòa Áo. Ngày 11 tháng 9 năm 1945, Hội đồng kiểm soát của đồng minh ở Áo mời Karl Renner triệu tập một hội nghị liên bang ở Viên. Sau Hội nghị Liên bang họp từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 9 có giá trị như một Quốc hội lâm thời, các tiểu bang của Áo thừa nhận chính phủ của Karl Renner tại Viên. Hội nghị Liên bang lần thứ hai họp từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 10 năm 1945 đã quyết định phục hồi hiệu lực của Hiến pháp Liên bang Áo năm 1929.

Ngày 25 tháng 11 năm 1945, tại Áo đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ đầu tiên kể từ năm 1933. Có 93,23 % trong số 3,5 triệu cử tri Áo trong danh sách đăng ký đã đi bầu cử 165 ghế của Quốc hội Liên bang Áo. Kết quả: Đảng Xã hội Áo (ÖVP) giành 49,80% số phiếu bầu, đạt 85 ghế tại quốc hội; Đảng Xã hội dân chủ Áo (SPÖ) giành 44,60% số phiếu bầu, được 76 ghế; Đảng Cộng sản Áo (KPÖ) giành 5,42% số phiếu bầu, được 4 ghế. Đảng Dân chủ Áo (DPÖ) chỉ giành được 0,19% số phiếu bàu, không đủ điều kiện để có một ghế tại Quốc hội Áo. Trong số 165 nghị sĩ đầu tiên của nền Cộng hòa Áo thứ hai, có 118 người là cựu tù chính trị và chiến binh kháng chiến Áo trong thời kỳ quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng nước này.

Ngày 20 tháng 12 năm 1945, căn cứ kết quả cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Áo ngày 25 tháng 11 năm 1945, Chính phủ lâm thời Áo chấm dứt hoạt động, nhường chỗ cho một chính phủ chính thức. Karl Renner được Quốc hội Áo bầu làm tổng thống đầu tiên của nền Cộng hóa Áo thứ hai. Leopold Figl, người của Đảng Dân chủ Áo (DPÖ) được bầu làm thủ tướng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Viên http://schule.diefenbach.at/FBA/Wurzer/Teil3.htm#6 http://books.google.de/books?id=oDOdeRY2MHYC&pg=PA... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://militera.lib.ru/h/17va/index.html http://militera.lib.ru/h/liberation/index.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/14.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/12.html http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/12.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/13.html